GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

     Căn cứ Luật hoạt động Chữ thập đỏ; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Nghị định số 03/2011/NĐ-CP ngày 07/01/2011 của Chính phủ;

     Chương trình “Huấn luyện sơ cấp cứu cho người dân tại cộng đồng” nhằm trang bị cho người dân, tình nguyện viên Chữ thập đỏ các kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản tại cộng đồng giúp họ có khả năng xử lý sơ cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp nhằm cứu sống và hạn chế di chứng đối với người bị nạn khi gặp các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra.

     Trung tâm Dịch vụ Nhân đạo được Thường trực Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ủy quyền tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, doanh nghiệp và cấp chứng nhận cho học viên tham gia các khóa học.

     CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN TRONG HUẤN LUYỆN SƠ CẤP CỨU

     Căn cứ Luật hoạt động Chữ Thập đỏ số 11/2008/QH12 ngày 12/6/2008, Điều 2 quy định hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bao gồm các lĩnh vực:

     Điều 9 quy định: “Tổ chức lực lượng, tiến hành đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng hội viên, tình nguyện viên có kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu”.

     Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015, Điều 72,73,78,79 quy định: “người sử dụng lao động phải tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;… tổ chức tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở.

     Căn cứ Nghị định số 03/2011/NĐ-CP ngày 07/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Điều 13 quy định: “cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu Chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập để huấn luyện kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu cho cán bộ, nhân dân tại cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các tổ chức, cá nhân khác. Kinh phí tổ chức lấy từ nguồn hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp”.

     Sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân, việc này quyết định sự sống chết của người bị nạn. Sơ cấp cứu muộn hoặc không đúng cách sẽ làm cơ hội sống sót giảm, tỷ lệ tử vong cao, hoặc sẽ để lại di chứng tàn tật không thể phục hồi.

     Sơ cấp cứu ban đầu là hành động can thiệp, trợ giúp, chăm sóc và hỗ trợ ban đầu của người cấp cứu với người bị nạn. Nếu thực hiện sơ cứu không đúng cách có thể làm người bị nạn gặp nguy hiểm hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Kỹ năng sơ cấp cứu vô cùng quan trọng mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, công nhân, người lao động, học sinh tại cơ sở, công ty để có thể ứng biến linh hoạt trong những sự cố, tai nạn bất ngờ hướng tới một cộng đồng an toàn trong lao động, an toàn trong sản xuất và an toàn trong sinh hoạt.

     Từ các căn cứ trên có thể thấy việc đào tạo, tập huấn và huấn luyện sơ cấp cứu tại cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt là tại các doanh nghiệp.

     Hiện nay Quốc hội và Chính phủ đang giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Y tế, trong đó Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giữ vai trò nòng
cốt và có trách nhiệm triển khai thực hiện.

     NĂNG LỰC TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN CỦA TRUNG TÂM

     Trung tâm có đội ngũ cán bộ giảng dạy, tập huấn là các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu.

     Tài liệu sử dụng trong khóa huấn luyện được biên soạn bởi các chuyên gia của Bộ Y tế, chuyên gia về sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ Pháp, cán bộ đoàn y tế quốc tế Mỹ… và được Bộ Y tế phê duyệt cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đưa vào sử dụng trong việc huấn luyện.

     Giáo trình chi tiết, bài bản, dễ hiểu và dễ ứng dụng trong thực tiễn. Các bài giảng đều có hình ảnh, video minh họa một cách trực quan, sinh động, luôn được cập nhật mới nhất theo tài liệu của quốc tế.

     Trang thiết bị giảng dạy, dụng cụ hỗ trợ thực hành đầy đủ, hiện đại, trực quan nhất.

     Chương trình được Ban Tư vấn của Trung tâm định hướng về chiến lược bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

     Ban Tư vấn của Trung tâm gồm các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (PGS.TS. Dương Mộng Huyền – Nguyên Trợ lý đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; TS.Trần Ngọc Liêm – Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Trung tướng, TS. Đỗ Lệ Chi – Nguyên Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an kiêm Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an; PGS.TSKH. Nguyễn Minh Khởi – Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Quang Tiến – Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Nhà nước).